Penang là điểm đến lý thú cho những người có “tâm hồn ăn uống”, nhất là những ai sống nội tâm, ưa hoài cổ, thích tìm về những vàng son ngày cũ và luôn mở lòng cảm đón những khác biệt.

Một số thông tin đáng chú ý về Penang:

– Pulau Penang, hòn đảo nằm ở phía Tây Bắc Malaysia, hình 1 con rùa đang bơi rộng gần 300 km2. Tên Pulau Penang bắt nguồn từ Pokok Pinang nghĩa là cây Cau – loài cây rất phổ biến ở đây.

– Penang có cây cầu vượt biển dài thứ ba trên thế giới và dài nhất châu Á (13,5 km), được xây dựng năm 1985.

– Penang từng là nhượng địa của Anh từ năm 1786, thủ phủ là George Town, được xem là khởi đầu của “con đường gia vị” trên biển, nối châu Á với thế giới.

– Đây là 1 thành phố đa sắc tộc, được xem là nơi duy nhất trên thế giới có khu phố cổ hòa hợp nét văn hóa, tôn giáo: Hồi giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Đạo giáo…

– Penang được UNESCO tôn vinh di sản văn hóa thế giới năm 2008 cùng với thành phố Melaka của Malaysia.

– Từng xếp thứ hai trong bảng xếp hạng “44 điểm để đến trong năm 2009” của tạp chí New York Times.

Cơ hội thành nghệ sĩ đường phố:

Dạo phố cổ di sản George Town, thủ phủ của Penang, ánh mắt bạn sẽ bị đóng đinh lên những bức họa đường phố của nghệ sĩ người Latvia Ernest Zacharevic. Nó sống động đến mức, nhìn từ xa ngỡ như thật, đâu phải tranh!
penangTranh đường phố của Zacharevic hút khách lạ không phải ở sắc màu, cấu tứ bố cục mà chủ yếu ở cái thần thái sống động của nhân vật, ở sự kết hợp sáng tạo giữa nét vẽ tả thực những khoảnh khắc của đời sống, các đồ vật đi kèm và bối cảnh xung quanh. Nó làm cho quá khứ nơi đây không đóng băng nhàm tẻ mà dường như đang chuyển động, xôn xao cùng thực tại. Các tác phẩm nghệ thuật độc đáo này đã thổi hồn cho phố sá nơi đây, khiến cho những mảng tường cũ kỹ, tróc lở cũng trở thành giá trị và Penang tưởng đâu xa lạ, hoá ra rất gần gũi, thân thuộc với khách xa.

Nghệ thuật đường phố ở Penang hấp dẫn du khách còn bởi “tính mở” của mỗi bức họa. Hầu như ai cũng dừng lại, ghé vào tạo dáng chụp ảnh với những sở thích, kiểu cách khác nhau. Và thế là bạn lại 1 lần sáng tạo cho bức họa đường phố của riêng mình.

Trải nghiệm … “tín đồ” của nhiều tôn giáo:

Tôi “nhâm nhi” George Town bắt đầu từ ngôi chùa của người Hoa. Đạo Phật ở đâu cũng khiến người ta thấy gần gũi, hoà đồng, bởi kiến trúc mở, thân thiện, nhiều cửa vào, mái chùa thấp, vút cong.

Nếu như chùa Hoa rực lên sắc đỏ, nhiều tượng Phật, nghi ngút khói trầm, hương hoa treo bán san sát ngoài cổng thì thánh đường Hồi giáo Kapitan Keling cùng trên 1 con phố, cách đó chừng 3 phút đi bộ lại trang nghiêm đến rợn ngợp với mái vòm, những ngọn tháp cao, kiến trúc củ hành uy nghi.

Bên trong thánh đường thanh thoát một màu trắng, tuyệt nhiên không có một bức tượng nào. Khung cảnh ấy khiến không ai dám nói to, đi cũng khẽ khàng, như thể mình cũng đang hành lễ cùng các tín đồ đạo Hồi. Ra khỏi thánh đường, cảm giác ấy vẫn còn xâm chiếm cho đến khi bước vào ngôi chùa Phật giáo của người Thái Lan-Wat Chayamangkalaramm vàng chói, dù tiết trời âm u, mây đen giăng kín. Chiêm ngưỡng bức tượng Phật nằm dài 33m, lớn thứ 3 thế giới ở đây, hẳn bạn cũng thấy choáng ngợp.
Thoắt cái, bạn lại có cảm giác mình đích thị là Phật tử khi chắp tay cúi lạy đức Phật, được sư thầy vẩy nước thơm lên đầu trong tiếng cầu kinh rì rầm. Và không thể không liên tưởng đến một cõi niết bàn trước ngôi tượng lớn hình rắn Naga huyền bí mà trong tâm thức Phật tử Thái Lan, vốn được xem là biểu tượng nối liền trái đất với thiên đường.

Và rồi bạn cũng như tôi thôi, thấy tâm hồn thật bình yên khi vãn cảnh chùa của người Myanmar đối diện với chùa Thái Lan ngay bên kia đường. Kiến trúc và điêu khắc ở ngôi chùa mang đậm bản sắc Myanmar này tinh tế đến từng chi tiết, hài hoà giữa màu vàng không quá chói với màu xanh của xum xuê cây lá. Kiến trúc, cảnh quan ngôi chùa này như một áng thơ giàu nhịp điệu.

penang4Vào đền thờ Hindu ở Penang Hill, một ngọn đồi mà từ đây có thể ngắm toàn cảnh Penang, bạn như lại vào thế giới của các vị thần với nhiều bức tượng thần theo phong cách Ấn đặc trưng, tượng mình người đầu voi, tượng thú có cánh…

Khác với công trình tôn giáo của người Hoa, tượng thần được chạm khắc, đắp nổi chi chít trên tất cả các mái của ngôi đền, với tất cả các sắc màu tươi tắn như cuộc sống trần gian. Và giây phút ấy, bạn thấy tín đồ Hindu đâu đến nỗi khó gần!

Thoát ra khỏi sự huyền hoặc của các không gian kiến trúc tôn giáo, bạn lại bị hấp lực bởi những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Dãy đèn lồng đỏ đung đưa mời gọi bạn vào Khoo Kongsi-nhà thờ của gia tộc họ Khoo.

Ngôi nhà cổ đậm phong cách Trung Hoa với hàng cột chạm trổ kỳ công, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy. Những ngôi nhà cổ của người Hoa thường tràn ngập thiên nhiên bốn mùa, sông núi, vườn tược, chim thú trong điêu khắc, tranh trên cánh cửa, tường trong, tường ngoài, trần nhà và trên tất thảy các đồ vật.

Đi dọc bờ biển về phía Tây Bắc của đảo Penang, bạn sẽ giật mình trước 1 kiến trúc thuộc địa: pháo đài Cornwallis ở góc Tây Bắc của đảo Penang còn đủ ngọn hải đăng, những khẩu thần công trên tường thành, rồi tháp đồng hồ King Edward Circus đều do người Anh xây dựng từ thế kỷ XVIII – XIX. Tất cả gần như còn nguyên trạng. Thế nên mới có nhận định rằng:  Penang là sự giao hòa của Trung Quốc, Ấn Độ và Anh quốc, một thành phố Âu-Á rất đặc trưng với nhiều công trình kiến trúc cổ của thế kỷ 19, được xếp vào loại nguy nga nhất khu vực.

Ngắm Penang từ trên cao, bạn sẽ cảm nhận đủ đầy sự hài hòa, pha trộn giữa cổ kính và hiện đại của một thành phố di sản được UNESCO tôn vinh di sản văn hóa thế giới. Những kiến trúc cổ kính hàng trăm năm tuổi, thả nét duyên mặn thắm bên những tòa nhà hiện đại, hãnh diện vươn lên trời xanh.

Hài hòa giữa đạo và đời, hòa hợp giữa các tôn giáo (Hồi giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Đạo giáo), sự pha trộn văn hóa Đông Tây, ngoại lai và bản địa, cổ kính và hiện đại, đã làm nên một Penang mê hoặc.

malaysia_penang-the-pearl

Và cùng đám đông gia tăng… thương hiệu cho quán ăn:

Dân Penang rất lấy làm tự hào về cái danh hiệu mà thực khách phong cho là “nhà bếp của thế giới”. Còn ở “cấp độ” quốc gia mà nói thì ẩm thực ở Penang được xếp vào loại ngon và phong phú nhất Malaysia. Người làm ra chúng chính là các thế hệ cháu con của người Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ. Món ăn nổi tiếng, được gọi là “quốc hồn quốc tuý” của Penang là Nyonya cũng là sự pha trộn phong cách ẩm thực của người Trung Quốc và Malaysia, ngon từ màu sắc, mùi vị và “ngon” cả về giá cả.

penang-thu-do-am-thuc-malaysiaVà cũng như ở Việt Nam mình, trong chuyện tìm quán ăn ngon ở Penang thì biển hiệu, tên tuổi đôi khi chả có nghĩa lý gì, mà chính đám đông khuyếch trương thêm thương hiệu cho quán. Cứ quán nào đông người húp hoáp xì xụp, thậm chí đứng xếp hàng chờ đến lượt, ấy là chỗ ăn ngon. Anh Henry, hướng dẫn viên du lịch dẫn cả đoàn vào khu ăn uống ngoài trời trên đường Gurney Drive, và thẳng tiến đến quán đông nhất thì dừng lại, chọn bàn. Henry thoăn thoắt như con thoi, chọn món, kiêm luôn cả “bưng bê”. Món đầu tiên Henry mang đến là mì Asam Laksa và liến láu: “phải ăn khi nó còn nóng rẫy mới ngon”.
Trang CNN Travel xếp hạng nó đứng thứ 7 trong 50 món ăn hấp dẫn nhất thế giới đấy!” Mì Asam Laksa có vị canh cá mắm, chua thanh của me, cay, mặn, ngọt hài hoà, ăn với  rau bạc hà, hành lá, gừng, rất vừa miệng, lại vừa túi tiền, chỉ 3,5 RM/tô (khoảng 23.000 đồng VN). Món gỏi Rojak được trộn từ dứa, ổi, xoài, đu đủ, dưa chuột với sứa, tôm, rắc lạc, tưới nước sốt cay… cũng khá ấn tượng. Để thưởng thức hết những món ngon ở Penang, nào hủ tiếu Char kway teow, nào mì Hokkien Mee, cà ri Nasi kandar, thịt chiên Lor bak, cà ri Curry mee… có lẽ phải ở đây cả tháng!

Tham khảo thêm các thông tin hấp dẫn khác tại Du học Malaysia

(Nguồn: Sổ Tay Du Lịch)

error
fb-share-icon

Tweet

fb-share-icon