Nội dung chính

  • 1 Làm thêm ngoài trường
  • 2 Làm thêm trong trường
  • 3 Làm việc trong chương trình vừa học vừa làm (co-op) và thực tập
  • 4 Làm việc ở Canada sau tốt nghiệp đến 3 năm

Du học sinh Canada có được làm thêm không là thắc mắc của nhiều bạn trẻ. Bởi lẽ, chi phí du học Canada dù được xem là thấp hơn so với ở một số quốc gia tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc… nhưng mức học phí trung bình 12.000 CAD – 30.000 CAD/năm (tương đương khoảng 213 triệu – hơn 500 triệu đồng/năm) của bậc cao đẳng, đại học là một khoản không nhỏ, chưa kể chi phí ăn ở, sinh hoạt, giải trí… Để có thêm tiền trang trải, nhiều sinh viên có nguyện vọng đi làm thêm.

Thực tế, bắt nguồn từ nguyện vọng này của du học sinh và nhu cầu sử dụng nguồn lao động sinh viên cho các công việc bán thời gian, Chính phủ Canada cho phép các bạn làm thêm. Có thể khẳng định, chính sách cho phép sinh viên quốc tế vừa học vừa làm của Canada cởi mở bậc nhất hiện nay và là một trong những lợi thế chính nổi bật cho sinh viên. Ngoài lợi ích có thể kiếm thêm thu nhập hỗ trợ chi tiêu cá nhân, làm việc trong khi học còn là cách bổ ích giúp sinh viên gặp gỡ những người mới, xây dựng các mối quan hệ và tăng cường những trải nghiệm có thể giúp cá nhân nổi bật trong tìm kiếm công việc sau này.

Nếu như ở Mỹ chỉ cho phép sinh viên làm việc trong trường; hay tại Hà Lan cho phép làm thêm tối đa 10 giờ/tuần; hoặc tại Singapore chỉ cho phép sinh viên các trường công lập làm thêm thì tại Canada, sinh viên bất kể học ở trường cao đẳng hay đại học, công lập hay tư thục đều có thể làm thêm trong và ngoài trường 20 giờ/tuần trong niên học và toàn thời gian vào các kỳ nghỉ. Thậm chí, các bạn không cần phải xin giấy phép làm việc (work permit).

du học sinh Canada làm thêm

Làm thêm là cách du học sinh Canada kiếm thêm tiền, tích lũy kinh nghiệm và xây dựng các mối quan hệ mới

Làm thêm ngoài trường

Sinh viên quốc tế sở hữu giấy phép du học còn giá trị có thể xin giấy phép làm việc (work permit) để dễ dàng làm việc cho một nhà tuyển dụng ngoài khuôn viên trường. Để xin giấy phép làm việc ngoài trường, bạn phải thỏa mãn những yêu cầu gồm:

  • Sở hữu giấy phép học tập (study permit) còn giá trị.
  • Theo học chương trình toàn thời gian tại một cơ sở đào tạo sau trung học được cơ quan quản lý giáo dục công nhận.
  • Hoặc tham gia chương trình đào tạo chuyên môn, chương trình nghề có thời gian học tập ít nhất 6 tháng.
  • Đã bắt đầu khóa học và đảm bảo việc làm thêm không ảnh hưởng tới quá trình học tập. Đây là điều tiên quyết sinh viên nhất định nên lưu ý bởi mục đích cuối cùng du học Canada là lấy được bằng cấp với kết quả học tập tốt chứ không phải để làm thêm.
  • Có số an sinh xã hội Social Insurance Number (SIN) (hiểu nôm na nó như mã số thuế, khi bạn làm bất cứ công việc gì hợp pháp, nhà tuyển dụng đều yêu cầu bạn cung cấp cho họ số này. Một số người được cấp giấy phép lao động và số SIN ngay tại sân bay trong trường hợp khóa học có thực tập. Các bạn khác thì phải xin số SIN sau khi nhập cảnh).

Tuy nhiên, không phải sinh viên quốc tế nào cũng được làm thêm ngoài trường. Một số đối tượng bị giới hạn gồm: sinh viên theo học chương trình tiếng Anh như Ngôn ngữ thứ Hai (ESL) hoặc tiếng Pháp như Ngôn ngữ thứ Hai (FSL); các bạn tham gia khóa học khái quát ngắn hạn dưới 6 tháng; hay những người học tập theo chương trình trao đổi sinh viên tại một cơ sở đào tạo được chỉ định.

Chia sẻ của du học sinh Canada về việc làm thêm

Làm thêm trong trường

Chính sách làm thêm trong trường có phần thoáng hơn cho phép các bạn thỏa mãn những điều kiện sau có thể tìm việc ngay trong khu học xá mà không cần có giấy phép làm việc:

  • Sở hữu giấy phép học tập còn giá trị.
  • Có số an sinh xã hội (SIN).
  • Đã đăng ký chương trình học toàn thời gian sau trung học tại: một trường đại học/cao đẳng công lập hay trường đào tạo chương trình CEGEP ở Quebéc; hoặc một trường cao đẳng tư thục hoạt động theo những nguyên tắc như trường công lập và nhận ít nhất 50% trợ cấp từ chính phủ.

Những nhà cung cấp việc làm trong khu học xá thường là trường học, tổ chức sinh viên, các doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ cho trường… Các công việc thường là trợ giảng, phục vụ căn-tin, hỗ trợ công tác thư viện…

Làm việc trong chương trình vừa học vừa làm (co-op) và thực tập

Chỉ những sinh viên đăng ký chương trình học co-op hay có yêu cầu thực tập mới được xin giấy phép làm việc co-op hay giấy phép thực tập. Giấy phép này chỉ được dùng cho những công việc cần thiết cho chương trình học. Những công việc được định nghĩa là cần thiết cho chương trình học khi nó giúp sinh viên tích lũy tín chỉ học thuật bắt buộc để đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Thông thường chương trình làm việc co-op không chiếm hơn một nửa chương trình học. Để xin giấy phép làm việc co-op, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Sở hữu giấy phép học tập còn giá trị.
  • Theo học chương trình học co-op, vừa học vừa làm để có được các tín chỉ học thuật bắt buộc.
  • Có thư từ cơ sở giáo dục nơi sinh viên theo học đề nghị bố trí công việc và xác nhận rằng vị trí công việc là cần thiết cho chương trình nghiên cứu.

Bất kể công việc co-op có trả lương hay không, sinh viên vẫn cần phải có giấy phép làm việc co-op. Đây là loại giấy phép lao động khép kín, nghĩa là nó chỉ được sử dụng cho một công việc, với một nhà cung cấp việc làm trong khoảng thời gian cụ thể.

Việc xin giấy phép lao động co-op có thể thực hiện cùng lúc với xin giấy phép du học hoặc sau khi sinh viên quốc tế có các giấy tờ cần thiết nêu trên. Tuy nhiên, do mất thời gian chờ xử lý hồ sơ, sinh viên thường phải sắp xếp xin giấy phép làm việc co-op sớm để kịp bắt đầu công việc chính thức. Với giấy phép này, người sở hữu có thể làm việc toàn thời gian, tùy thuộc vào yêu cầu công việc.

Ngoài ra, các bạn có thể đồng thời sử dụng giấy phép lao động co-op và giấy phép làm việc tiêu chuẩn được cấp cho người có giấy phép du học Canada. Tức là ngoài việc làm co-op mà chương trình học bắt buộc, các bạn có thể làm thêm những công việc được nêu khái quát trong giấy phép học tập.

du học sinh Canada làm thêm

Sinh viên quốc tế bắt buộc phải đảm bảo việc học trong quá trình làm thêm

Làm việc ở Canada sau tốt nghiệp đến 3 năm

Không chỉ cung cấp nền tảng giáo dục thực hành trong thời lượng khóa học, Canada cũng là một trong những quốc gia có chính sách thông thoáng cho phép sinh viên quốc tế có thể kéo dài thời gian cư trú ở xứ lá phong đến 3 năm để tích lũy kinh nghiệm làm việc sau khi học. Đây là khoảng thời gian đủ dài để sinh viên có thể tích lũy đủ số giờ làm việc thực tế và xin định cư Canada nếu có nguyện vọng xây dựng cuộc sống và phát triển sự nghiệp lâu dài tại đây.

Dưới đây là một số công việc bán thời gian sinh viên quốc tế thường làm và mức lương trung bình mỗi giờ các bạn nhận được ở Canada:

Công việcMức lương
Ghi chép sổ sách kế toán14 – 25 CAD/ giờ
Chăm sóc khách hàng11 -15 CAD/ giờ
Bán hàng12 – 14 CAD/ giờ
Phục vụ nhà hàng10 – 13 CAD/ giờ
Phụ bếp13 – 14 CAD/ giờ 
Trợ lý văn phòng13 – 15 CAD/ giờ
Trợ lý bộ phận nhân sự13 -15 CAD/ giờ
Nhân viên cứu hộ12 – 15 CAD/giờ 
Họa sĩ13 -16 CAD/ giờ
Phục vụ tiệc liên hoan, hội hè10 – 13 CAD/giờ 
Nhân viên trại hè12 – 13 CAD/giờ 
Điều phối viên chương trình13 – 15 CAD/giờ
Nhân viên hỗ trợ dịch vụ giải trí15 – 16 CAD/giờ
Nhân viên phụ làm bánh11 – 22 CAD/giờ

Liên hệ Du học INEC nếu bạn muốn biết thêm thông tin về du học Canada, được tư vấn chọn trường học, ngành đào tạo và lộ trình học phù hợp giúp tối đa hóa lợi ích du học. Với hơn 13 năm kinh nghiệm, mỗi năm đều được mời họp với Lãnh sự quán Canada, thường xuyên được các trường mời tham dự những buổi cập nhật thông tin tuyển sinh, học bổng mới nhất, INEC tự hào đem đến cho bạn những thông tin mới nhất, chính xác nhất và hỗ trợ chứng minh tài chính, xin visa hiệu quả nhất.

Công ty Du học INEC

  • Tổng đài: 1900 636 990
  • Hotline KV miền Bắc và miền Nam: 093 409 3223 – 093 409 2080
  • Hotline KV miền Trung: 093 409 9070
  • Email: [email protected]
error
fb-share-icon

Tweet

fb-share-icon