Bạn Huỳnh Anh Phương (sinh viên Học viện SHMS) tự nhận hành trình du học của mình như hai màu đỏ và xanh: màu đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ, màu xanh biểu trưng cho hy vọng và hoài bão của bản thân về tương lai.

Ở kỳ trước, bạn Huỳnh Anh Phương đã review về việc học tại trường SHMS, từ chương trình học, môi trường học cho đến các hoạt động ở trong và ngoài trường học. Ở kỳ này, Phương sẽ tiếp tục chia sẻ về quá trình thực tập cũng như mục tiêu nghề nghiệp của bản thân.

Chào Phương, kỳ thực tập đầu tiên của bạn diễn ra như thế nào?

Kỳ thực tập đầu tiên mình làm việc tại một nhà hàng Thái ở Lausanne tại Thuỵ Sĩ. Công việc chủ yếu là phục vụ bàn. Ngoài ra mình còn pha chế thức uống trong nhà hàng nữa. Khi phục vụ, do tiếng Pháp của mình còn hạn chế nên mình cũng chỉ giao tiếp cơ bản với khách, vì khách đa số là người dân quanh đây. Khách ở đây rất thân thiện với mình, có những lúc mình nói sai ngữ pháp hoặc không đúng từ thì họ chỉnh sửa ngay lúc đó cho mình, làm cho mình cảm thấy rất vui. Hai ông bà chủ nhà hàng mình cũng giúp đỡ, hỗ trợ mình rất nhiều trong kì thực tập này.

Môi trường làm việc rất thoải mái. Các đồng nghiệp rất thân thiện và luôn giúp đỡ mình, mặc dù ngôn ngữ có chút rào cản nhưng mình đã học thêm để có thể trò chuyện và kết thân với mọi người hơn. Trong nhà hàng thì mình rất quý hai chị, một người là bếp trưởng và một người nữa là Service Captain. Hai chị đã giúp mình rất nhiều trong thời gian mình thực tập, trò chuyện cũng như là ăn uống cùng nhau để hiểu rõ hơn về mỗi người, coi mình như một người em, một người con trong gia đình. Mình rất cảm ơn hai chị đã giúp đỡ mình.

Sau lần thực tập này đã rèn cho bản thân mình tính độc lập hơn, mình có thể tự lo cho bản thân hơn hồi còn ở Việt Nam, những kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm cũng đã được cải thiện rất nhiều và đặc biệt là mình kết bạn thêm nhiều người hơn sau kỳ thực tập này.

Xem thông tin cập nhật nhất về du học Thụy Sĩ

Du học Thụy Sĩ thực tập

Kiến thức và trải nghiệm là những điều Phương trân trọng nhất trong những năm du học

Vì sao bạn chọn Việt Nam để thực tập kỳ thứ hai?

Mình đã thực tập kỳ đầu tiên ở Thuỵ Sĩ về nhà hàng, sau khi học năm 2 thì mình học về khách sạn nhiều hơn, nên là mình quyết định chọn Front Office là mảng mình sẽ thực tập sau này.

Mình về Việt Nam thực tập vì ngành hospitality ở Việt Nam đang ngày càng phát triển, và mong muốn những kiến thức mình đã học trên truờng sẽ giúp ích một phần nào đó trong ngành hospitality đang phát triển của nước mình.

Hiện tại mình đang thực tập ở bộ phận Front Office tại New World Saigon Hotel. Mình đã nộp thẳng hồ sơ của mình lên khách sạn. Sau khi nộp xong thì khoảng 2 – 3 ngày, bên bộ phận nhân sự của khách sạn gọi điện cho mình để hẹn ngày phỏng vấn. Sau khi phỏng vấn xong thì khoảng một tuần sau mình được thông báo là đã được nhận và sắp xếp ngày cho mình lên thử đồng phục, hướng dẫn những thủ tục cần thiết.

Thực tập vào thời điểm đại dịch này nhìn chung cũng lấy đi kha khá cơ hội được trải nghiệm thực tế của mình, chẳng hạn như số lượng khách đến ít hơn trước đây thì cũng làm cho cơ hội được tiếp xúc với khách ít hơn trước đây, thời gian để có thể làm quen với hệ thống của khách sạn cũng lâu hơn do có ít cơ hội thực hành.

So sánh hai kỳ thực tập thì bạn thấy mỗi kỳ thực tập giúp ích gì cho bản thân?

Mình cảm thấy hai kỳ thực tập mình đã và đang thực hiện đều có điểm chung là sẽ luyện cho mình làm việc nhóm tốt, giao tiếp với khách hàng và xử lý những tình huống phát sinh. Kỳ thực tập thứ hai của mình thì cũng sẽ giống như kỳ trước. Tuy nhiên ở kỳ thực tập thứ hai thì mình rèn được tính cẩn trọng, tỉ mỉ hơn vì bộ phận Front Office trên hệ thống đòi hỏi phải chính xác và cẩn thận, và mình đã được rèn luyện kỹ năng đó nhiều hơn.

Xem thêm các trải nghiệm thực tập và làm việc của sinh viên Việt Nam tại Thụy Sĩ

Du học Thụy Sĩ thực tập

Phương (bìa trái) và các sinh viên Việt Nam đang học tại SHMS, trong đó có bạn Nguyễn Tấn Đạt và Võ Phương Nhi (lần lượt từ trái sang) đều là sinh viên của INEC

Khi nào thì bạn trở lại trường? Dự định của bạn sau đó là gì?

Mình dự định sẽ trở lại trường vào tháng 9, sau khi kết thúc kỳ thực tập thứ hai. Mình sẽ tiếp tục học cho xong năm cuối chương trình cho đến tháng 2 năm sau, và mình cũng có dự định sẽ tham gia đào tạo quản lý sau khi hoàn thành xong năm cuối ở trường.

Sau mấy năm đi du học bạn nghĩ mình có được gì và thấy mình thay đổi như thế nào?

Mình nghĩ cái mình có được nhiều nhất đó chính là kiến thức. Được đi ra nước ngoài là mình đã được tiếp thu nền văn hoá, cũng như là kiến thức sâu rộng hơn, hiện đại hơn trong ngành hospitality này. Kiến thức đó sẽ giúp ích cho mình rất nhiều ở ngoài cuộc sống khi mình không còn ngồi trên ghế nhà trường nữa. Ngoài ra thì nó cũng đã rèn luyện cho bản thân mình tính tự lập. Đi du học là đã xa gia đình, bạn bè, không còn ai ở bên cạnh để nhắc nhở nữa thì chính mình sẽ phải tự lập hơn. Mình biết lo cho bản thân hơn, từ sức khoẻ đến tương lai, quản lý thời gian tốt hơn, biết những thứ gì không tốt và không hay để còn lo cho bản thân. Và đôi khi những lúc vấp ngã khi không có người thân bên cạnh cũng sẽ cho mình một bài học để mình rút kinh nghiệm, đổi thay và phát triển hơn nữa.

Sống, học quản trị hospitality trong cung điện Thụy Sĩ cùng Học viện SHMS:

Nếu được lựa chọn một gam màu để minh họa cho khoảng thời gian du học của bạn, bạn sẽ chọn màu gì, vì sao?

Mình chọn màu đỏ, vì màu đỏ trong cuộc sống mang đến sự nhiệt huyết và đam mê, tràn đầy năng luợng, tượng trưng cho tuổi trẻ của chính mình. Một màu nữa là xanh lá, biểu tượng cho sự phát triển, sinh sôi và hy vọng, mang theo những hoài bão trong cuộc sống du học của mình.

Bạn có muốn học quản trị hospitality tại Thụy Sĩ để có trải nghiệm sống, học tập và làm việc phong phú như Phương? Hãy liên hệ với đại diện tuyển sinh chính thức của Học viện SHMS tại Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ ngay nhé!

  • Tổng đài: 1900 636 990
  • Hotline KV miền Bắc & Nam: 093 409 2662 – 093 409 9948
  • Hotline KV miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
  • Email: [email protected]
  • Trò chuyện với tư vấn viên của INEC: me/hoiduhocsinhthuysi
error
fb-share-icon

Tweet

fb-share-icon